Lý do khiến du khách dễ bị từ chối nhập cảnh như hộ chiếu bị nhòe, chỉ mua vé một chiều...
Hộ chiếu bị nhòe, chỉ mua vé một chiều... là những lý do khiến nhiều du khách không được nhập cảnh. Dưới đây là những điều du khách nghĩ đơn giản, nhưng lại khiến họ không được nhập cảnh.
Trông nhà giúp người khác để được ở miễn phí
Thế giới đang thịnh hành xu hướng đổi nhà cho nhau, hay đến trông nhà giúp. Chủ nhà đi vắng vài ngày, người khác đến trông giúp, dắt chó đi dạo, cho chó ăn. Đổi lại, người này được ở miễn phí. Thời gian rảnh rỗi, họ có thể đi tham quan quanh khu vực mình trông nhà giúp.
Tại Anh và Mỹ, nhiều vị khách đã bị từ chối nhập cảnh vì lý do này. Madolline Gourley, đến từ Australia, đã bị từ chối vào Mỹ là một ví dụ. Gourley đã giải thích rằng cô đến Mỹ với mục đích du lịch, và ở nhờ nhà. Nhưng hải quan cho rằng, trông nhà hay dắt chó đi dạo cũng là công việc. Nữ du khách đang nhập cảnh sai mục đích và kết luận cô đến làm việc bằng
visa du lịch.
Hộ chiếu bị hư hỏng
Những cuốn hộ chiếu bị quăn, rách hoặc bị nhòe do nước... thường là lý do khiến chủ nhân không được nhập khi du lịch quốc tế. Lacey Montgomery-Henderson, một blogger nổi tiếng, đã không thể nhập cảnh Bangkok, Thái Lan vì hộ chiếu có hai trang bị rách. Lacey đã bị đưa đến một phòng biệt lập có 12 giường "hôi hám, bẩn thỉu" trong thời gian chờ đợi để lên máy bay quay về Anh.
Không có vé chiều về
Chỉ mua vé máy bay chiều đến khiến hải quan tin rằng bạn có ý định trốn ở lại. Ngoài ra, bạn cũng không tạo niềm tin cho họ về việc sẽ quay về nhà đúng hạn.
Jack Dunn, du khách đến từ bang Victoria, Australia từng bị từ chối nhập cảnh Mỹ. Lý do là anh chỉ có vé máy bay chiều đến, không mua chiều về. Jack đã trình vé máy bay bay tiếp đến Mexico để giải thích rằng từ Mỹ, anh sẽ bay tiếp đến một nước thứ ba du lịch, rồi mới về Australia. Nhưng câu trả lời vẫn là không. Jack buộc phải quay về Australia mà không được nhập cảnh.
Có vẻ ngoài khác thường
Đeo những món đồ trang sức hầm hố, kỳ lạ hay xỏ khuyên, xăm mình ở nơi khác thường cũng là lý do khiến khách khó nhập cảnh. Một nhân viên hải quan Australia thừa nhận rằng, trên thực tế có rất ít các cuộc kiểm tra khách ngẫu nhiên, mà thường là cố ý. Các chuyên gia sẽ đánh giá mức độ rủi ro của từng vị khách, và đưa ra quyết định có kiểm tra kỹ càng người này hay từ chối để họ nhập cảnh hay không.
Hình thức bên ngoài là một trong những dấu hiệu được dựa vào để đánh giá rủi ro. Nếu vẻ ngoài của bạn không tạo được lòng tin với hải quan, khiến họ thiếu tin tưởng để bạn nhập cảnh, bạn sẽ bị từ chối.